CÁC BỆNH TIÊU HÓA
Lịch khám: Các buổi Sáng thứ 2,3,4,5,6, thứ 7, chủ nhật. Làm từ 7h sáng.
ĐỊA CHỈ PHÒNG KHÁM
Tại 476 Vĩnh Viễn, quận 10
TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0981 6300 68
Triệu chứng bệnh đường tiêu hóa ?
Rất đa dạng.
- Đau bụng, xót xa, nóng rát, ...
- Mắc ói, nôn ói
- Chướng bụng, đầy bụng sau khi ăn (cảm giác ăn lâu tiêu)
- Những rối loạn nuốt (nuốt nghẹn, ... )
- Những rối loạn đi cầu (tiêu chảy, táo bón, ...)
Những triệu chứng như trên có thể do bệnh lý của cơ quan tiêu hóa gây ra, có những khi lại là do bệnh ở cơ quan khác (ngoài đường tiêu hóa) gây ra.
Vai trò của hỏi bệnh kĩ lưỡng ?
- Trò chuyện, trao đổi với bệnh nhân đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình khám bệnh. Làm tốt điều này sẽ giúp bác sĩ tìm hiểu kĩ các biểu hiện bất thường ở bệnh nhân, trả lời được một số câu hỏi quan trọng như:
- Bệnh nhân có những triệu chứng (biểu hiện) bất thường nào?
- Triệu chứng nào là chính, triệu chứng nào là phụ ?
- Biểu hiện triệu chứng đó xuất phát từ bất thường ở cơ quan tiêu hóa, hay là do bệnh lý ở cơ quan khác gây ra ?
- Mọi bệnh nhân khi đi khám bệnh đều có chung một nhu cầu là được bác sĩ khám cẩn thận, được bác sĩ hỏi kĩ lưỡng những vấn đề mà mình đang gặp phải.
Khám và tư vấn online (qua mạng, qua điện thoại, qua diễn đàn) ?
Đây là điều tối kị đối với những trường hợp mắc bệnh đường tiêu hóa. Chính vì phải "nhìn - sờ - gõ - nghe" và hỏi bệnh nhân rất nhiều để thu thập những thông tin cần thiết (nhằm phân biệt với bệnh lý khác), nên việc tư vấn online là rất bất lợi cho bệnh nhân và mệt mỏi cho bác sĩ, dễ dẫn tới thiếu sót hoặc thậm chí là chẩn đoán sai, từ đó điều trị không đúng cách.
Do đó, tôi cực kì hạn chế tư vấn online. Mặc dù hàng ngày có rất nhiều bệnh nhân nhắn tin hỏi qua mạng, hoặc nhắn tin "chát" (Thực sự là bác sĩ không quen nhắn tin qua lại trên điện thoại). Trừ trường hợp thỉnh thoảng thấy những ca bệnh nặng, nguy ngập thì tôi trả lời. Nhưng không trả lời công khai trên mạng, vì không đảm bảo sự riêng tư cho bệnh nhân.
Chỉ định xét nghiệm ?
- Hiện nay có rất nhiều phương pháp xét nghiệm hiện đại dùng để chẩn đoán bệnh lý các cơ quan tiêu hóa (nhiều loại xét nghiệm máu, siêu âm, nội soi, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, ...). Tuy nhiên, không nên lạm dụng xét nghiệm.
- Thực tế, quá trình hỏi bệnh, kết hợp với kĩ năng khám bệnh của người bác sĩ (nhìn - sờ - gõ - nghe) có thể chiếm tới 60% vai trò trong chẩn đoán bệnh. Làm tốt điều này, bác sĩ có thể định hướng chính xác ngay từ đầu:
- Có cần làm thêm xét nghiệm nào cho bệnh nhân không
- Làm xét nghiệm nào trước (để rẻ tiền, thuận tiện cho bệnh nhân, mà lại có giá trị chẩn đoán)
Vì sao không nên lạm dụng xét nghiệm ?
- Tốn kém chi phí cho bệnh nhân: Đa số người dân Việt Nam còn nghèo, nên tiết kiệm tối đa chi phí cho người bệnh. Nhờ đó, người bệnh có thể còn đủ tiền mua thuốc điều trị bệnh (nếu cần)
- Ảnh hưởng tới thời gian, sức khỏe của bệnh nhân: Nếu phải làm nhiều xét nghiệm thì sẽ khiến bệnh nhân mất thêm thời gian (mà có thể không thực sự cần thiết) để có chẩn đoán bệnh cuối cùng. Ngoài ra, người bệnh sẽ thêm mệt mỏi vì phải đi làm quá nhiều xét nghiệm.
Làm sao để tiết kiệm chi phí xét nghiệm cho người bệnh ?
Điều này đòi hỏi bác sĩ khám bệnh phải nắm chắc kiến thức, có nhiều kinh nghiệm thực hành (sự đúc rút kinh nghiệm từ bản thân trong quá trình công tác, sự chỉ dạy của người thầy, của đàn anh đi trước). Quan trọng vẫn là kĩ năng hỏi bệnh và kĩ năng khám bệnh (nhìn - sờ - gõ - nghe) để có định hướng chẩn đoán ban đầu phù hợp, từ đó biết cần làm thêm xét nghiệm nào thực sự giúp ích cho người bệnh, đảm bảo chính xác nhưng cũng tiết kiệm chi phí và thời gian cho người bệnh.
Kết quả xét nghiệm có khi nào sai không?
Có. Không có gì là tuyệt đối, nên kết quả xét nghiệm cũng có khi sai. Điều này tùy thuộc vào:
- Phương pháp xét nghiệm (bác sĩ nên chọn xét nghiệm có độ tin cậy)
- Máy móc có tốt, hóa chất xét nghiệm có đảm bảo không (thực hiện ở nơi tin cậy)
- Người thực hiện xét nghiệm có làm chuẩn không (kĩ thuật viên làm đúng qui trình)
- Người đọc kết quả (để có kết luận) phải cẩn thận, kinh nghiệm
Nếu thấy kết quả xét nghiệm có gì đó không phù hợp với thực tế khám bệnh, hoặc kết quả các xét nghiệm mâu thuẫn với nhau, thì bác sĩ phải biết phát hiện ra những điểm bất hợp lý đó, để kiểm tra lại. Do đó, trình độ của bác sĩ rất quan trọng. Không nên dựa hoàn toàn vào kết quả xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
Làm sao để có kết quả xét nghiệm chính xác ?
- Máy móc tốt
- Thực hiện đúng qui trình xét nghiệm
- Bác sĩ đọc kết quả là người có kinh nghiệm
- Bác sĩ điều trị là người có thái độ cảnh giác khi đọc kết quả xét nghiệm
Tại sao viêm dạ dày lại hay tái phát ?
Biểu hiện viêm sung huyết của dạ dày (hình ảnh nội soi)
- Do không tuân thủ chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt
- Do thường xuyên uống những thuốc kháng viêm, giảm đau (ngay cả những trường hợp không thật sự cần thiết, ví dụ: viêm mũi, viêm họng, ... )
- Uống quá nhiều thuốc, uống thuốc không rõ nguồn gốc.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản - Có chắc vậy không ?
Rất nhiều người thường xuyên bị ợ nóng (biểu hiện điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản), hoặc những biểu hiện ở vùng cổ họng (nuốt vướng, nuốt nghẹn, rát cổ họng, cảm giác "như có cục đờm vướng ở cổ", thậm chí ho khan, ...), và khi đi khám thì dễ được chẩn đoán ngay là "bệnh trào ngược dạ dày - thực quản".
Để chẩn đoán đúng cần hỏi thật kĩ tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc. Có như vậy mới tránh nhầm lẫn. Đôi khi những biểu hiện trên lại do một số loại thuốc gây ra, thì việc đầu tiên cần làm là tránh dùng những thuốc đó.
"Viêm đại tràng" - Có thật không ?
Cả 4 tình huống sau đây đều rất thường gặp:
- Là một người không bị viêm đại tràng nhưng lại bị chẩn đoán là viêm đại tràng. Trong khi thực ra bệnh nhân chỉ bị hội chứng ruột kích thích, hoặc bị rối loạn tiêu hóa thoáng qua, hoặc do ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh (ở các quán nhậu, hàng quán kém vệ sinh ... )
- Là một người thực ra bị viêm đại tràng nhưng lại bị chẩn đoán nhầm thành "hội chứng ruột kích thích".
- Là trường hợp chẩn đoán đúng viêm đại tràng, nhưng lại xác định không chính xác nguyên nhân dẫn tới viêm.
- Nhầm lẫn giữa các bệnh: viêm loét đại tràng xuất huyết , bệnh Crohn, lao đại tràng
Do đó, khi khám cho một bệnh nhân nghi ngờ viêm đại tràng, bác sĩ cần trả lời ít nhất 2 câu hỏi:
- Bệnh nhân này có thực sự bị viêm đại tràng không?
- Nếu đúng là viêm đại tràng thì do nguyên nhân gì?
Để trả lời chính xác 2 câu hỏi trên, đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm của bác sĩ, nếu không sẽ rất dễ chẩn đoán sai.
Những nhầm lẫn có thể xảy ra khi chẩn đoán "hội chứng ruột kích thích" ?
Có 2 tình huống sau khá thường gặp:
- Chẩn đoán "hội chứng ruột kích thích" ở một người thực chất có viêm đại tràng, lao đại tràng, và nguy hiểm nhất là ung thư đại tràng (thường là do không tiến hành nội soi đại tràng)
- Chẩn đoán " viêm đại tràng " hoặc " viêm dạ dày " ở một người thực chất bị hội chứng ruột kích thích (thường là do phương pháp hỏi bệnh hoặc khám bệnh thiếu chưa chuẩn xác)
Vấn đề kê thuốc cho người bệnh tiêu hóa - gan mật ?
Người khỏe mạnh là người không phải uống thuốc. Người bệnh thì uống càng ít thuốc càng tốt (nhằm tiết kiệm chi phí, tránh tác dụng phụ của thuốc).
Nếu trường hợp nào có thể giải thích cho bệnh nhân hiểu, để thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, để tránh phải dùng thuốc thì nên làm. Vài ví dụ:
- Người bị gan nhiễm mỡ thì cần hạn chế thức ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt, và cần vận động nhiều, giảm cân (nếu dư cân).
- Người bị trĩ nội mức độ nhẹ thì quan trọng nhất là tránh ngồi lâu, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước.
- Người bị táo bón (mà đã loại trừ u đại tràng) thì cần vận động nhiều, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, tập thói quen đi cầu hàng ngày vào buổi sáng. Đó là những điều cần làm trước, chứ không phải là dùng thuốc nhuận tràng (để đi cầu).
Sự hợp tác của bệnh nhân ?
Trong quá trình chẩn đoán và điều trị, điều tôi vô cùng mong mỏi chính là sự hợp tác của bệnh nhân (và cả người thân của họ).
Hợp tác trong quá trình chẩn đoán: Với phương châm không làm xét nghiệm thừa (để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh), nên nếu tôi đã chỉ định xét nghiệm nào thì đó là xét nghiệm thực sự cần làm. Rất mong người bệnh hiểu điều này. Thực tế, có những bệnh nhân tự ý không làm xét nghiệm, thì tôi cũng lịch sự từ chối kê toa thuốc. Bởi vì, tôi đề cao vấn đề chẩn đoán chính xác bệnh rồi mới kê thuốc (nếu chưa gấp).
Hợp tác trong quá trình điều trị: Nghĩa là bệnh nhân cần tuân thủ chế độ uống thuốc, và làm theo những điều bác sĩ đã dặn dò. Sau đây là vài ví dụ:
- Đôi khi bệnh nhân tự ý mua thêm thuốc (giống toa bác sĩ đã kê): Điều này gây hại, vì có những thuốc chỉ được dùng 7 ngày, có thuốc chỉ dùng 14 ngày, ... nếu bệnh nhân tự ý mua thêm để uống sẽ gây hại.
- Đôi khi bệnh nhân tự ý ngưng thuốc ( ví dụ, bị viêm gan B đang điều trị thuốc kháng virus, sẽ dẫn tới bùng phát virus)
- Đôi khi bệnh nhân tự ý mua thêm các thuốc khác: Dẫn tới tương tác thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc chính, hoặc thậm chí gây hại cho bệnh nhân (ví dụ, có bệnh nhân bị viêm dạ dày nhưng đã điều trị ổn định, sau đó bệnh nhân tự ý mua thuốc Tàu chữa đau khớp, sau đó bị loét dạ dày và phải nhập viện cấp cứu).
Thực tế cho thấy, khi có sự hợp tác tốt của bệnh nhân thì tôi an tâm hơn trong quá trình điều trị, và hiệu quả điều trị thường tốt.
Tác dụng phụ của thuốc ?
Khi kê thuốc, bác sĩ cần nắm được tất cả các tác dụng phụ có thể gặp của từng loại thuốc, mức độ thường gặp, cách xử trí. Tốt nhất là tư vấn cho bệnh nhân biết những tác dụng phụ nào mà bệnh nhân có thể gặp. Dị ứng (nổi ban trên người, ngứa, phù mặt, ...) thì phải ngưng thuốc ngay.
Phản ứng của mỗi bệnh nhân khi uống thuốc có thể khác nhau. Và đây chính là một trong những điều "mệt mỏi" nhất đối với một bác sĩ trong lĩnh vực tiêu hóa.
Có những tác dụng phụ khiến bệnh nhân khó chịu nhiều thì phải ngưng thuốc, nhưng cũng có những tác dụng phụ thì bệnh nhân cần cố gắng vượt qua (chẳng hạn, khi uống thuốc diệt vi khuẩn H.pylori trong dạ dày, người bệnh có thể mệt, khó ngủ, mắc ói, nhức mỏi tay chân, ... do tác dụng phụ của kháng sinh. Nhưng đây chỉ là những tác dụng phụ tạm thời, đa số sẽ tự hết sau khi kết thúc liệu trình điều trị).
Làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ của thuốc ?
Vai trò của bác sĩ rất quan trọng.
- Kê số lượng thuốc càng ít uống nhiều thuốc sẽ dễ gây tương tác giữa các thuốc, tăng xác suất gặp tác dụng phụ, thêm bất tiện hàng ngày cho bệnh nhân.
- Kê số ngày uống thuốc càng ngắn càng tốt
- Lựa chọn thuốc và tính toán liều dùng phù hợp lứa tuổi, cân nặng, bệnh lý khác kèm theo
Nhiều thuốc quá ?
Trong thực tế, có nhiều người bị mắc nhiều bệnh khác nhau, đi khám nhiều bác sĩ / bệnh viện khác nhau, mỗi nơi cho 1 toa thuốc. Nếu gộp lại thì số lượng thuốc hàng ngày bệnh nhân phải uống đã khá nhiều. Vì thế, khi khám bệnh, bác sĩ cần thận trong xem lại tất cả các toa thuốc bệnh nhân đang dùng để:
- Tránh trùng lặp thuốc
- Giảm số lượng thuốc cho bệnh nhân
Thời gian sử dụng thuốc kéo dài bao lâu?
Tùy loại bệnh và tùy mức độ nặng mà bác sĩ sẽ quyết định cho bệnh nhân dùng thuốc trong bao lâu. Nhưng nhìn chung, đối với các bệnh lý đường tiêu hóa thì mục đích cuối cùng để điều trị là "để bệnh nhân không phải uống thuốc nữa, và không phải đi gặp bác sĩ nữa".
Hay tái phát bệnh ?
Chúng ta đang điều trị bệnh, nhưng thực tế có rất nhiều điều về bệnh mà chúng ta chưa thực sự hiểu hết. Khoa học vẫn còn tiếp tục nghiên cứu để trả lời hàng loạt câu hỏi về mỗi loại bệnh. Các bệnh lý đường tiêu hóa lại càng phức tạp, bởi vì:
- Trong dân gian có câu nói thâm thúy " Bệnh tật từ miệng mà ra". Đường ruột là nơi tiếp xúc nhiều nhất với mọi loại tác nhân (trong đó có nhiều chất kích thích chứa trong đồ ăn, thức uống). Vài ví dụ:
- Người có tiền sử viêm dạ dày, nếu có đợt ăn uống kém vệ sinh (ngộ độc thực phẩm), hoặc sử dụng quá nhiều đồ cay, quá nhiều dầu mỡ thì sẽ dễ bị tái phát lại bệnh.
- Hệ tiêu hóa có liên hệ chặt chẽ với các hệ cơ quan khác. Do đó, hầu hết các bệnh ở các cơ quan khác cũng đều ảnh hưởng lên tiêu hóa. Đặc biệt người ta đã thấy mối liên quan qua lại giữa hệ thống thần kinh và hệ tiêu hóa. Vài ví dụ:
- Khi đang bị bệnh nào đó, hầu như đều ảnh hưởng đến vị giác (chán ăn), sự tiêu hóa thức ăn (ăn chậm tiêu).
- Người bị tai biến mạch máu não, hoặc sau tai nạn xe cộ thường dễ bị táo bón do nằm một chỗ mà ít vận động, ...
- Tình trạng căng thẳng (stress), hay thức khuya thường làm tăng tiết axit dạ dày, gây ra cảm giác cồn cào, đau xót về đêm, gần sáng
Thói quen nhậu nhẹt tràn lan:
Không chỉ tác hại do rượu bia gây ra, mà còn do đồ "nhậu" ngoài hàng quán kém vệ sinh, nguồn gốc không bảo đảm, tẩm ướp nhiều hóa chất độc hại.
Sử dụng thuốc không hợp lý:
Nhiều trường hợp cảm ho, xổ mũi (thường do virus) nhẽ ra không cần phải uống thuốc, nhưng người bệnh lại uống nhiều loại thuốc, trong đó có những thuốc gây viêm loét dạ dày.
Người già thì lại hay đau nhức tay chân, rồi uống thuốc giảm viêm, giảm đau khớp, nhưng lại gây viêm loét dạ dày.
Như vậy, bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, dặn dò bệnh nhân, để hạn chế tái phát bệnh. Đồng thời, với mỗi trường hợp bệnh nhân, sẽ cần những cách tiếp cận điều trị riêng cho phù hợp nhất.
Chế độ dinh dưỡng của người mắc bệnh đường tiêu hóa ?
Đôi khi chúng ta phải xem xét lại việc chẩn đoán đã đúng chưa, điều trị đã đúng cách chưa.
Trong thực tế, tôi gặp những bệnh nhân ăn cháo quanh năm, kiêng khem khổ sở, nhưng bệnh vẫn chưa cải thiện. Sau khi chẩn đoán và điều trị lại, thì đưa bệnh nhân về tình trạng bình thường.
Sau đó, mới kết hợp chế độ dinh dưỡng.Kiêng khem quá mức cũng không phải cách hay, dẫn tới giảm chất lượng cuộc sống, hoặc những bất tiện nhất định, hoặc thiếu dinh dưỡng.
"Bắt" bệnh nhân kiêng khem nhiều quá thì bệnh nhân càng khó thực hiện theo. Tôi thường dặn bệnh nhân những điểm mấu chốt:
- Viêm dạ dày: Đừng uống nhiều rượu bia, đừng ăn chua, cay, ... hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ
- Trào ngược dạ dày thực quản: Đừng uống nhiều cà phê (và bỏ thuốc lá)
- Táo bón: Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, tránh ngồi lâu
- Viêm gan: Không uống rượu bia
- Xơ gan: Ăn lạt (hạn chế mắm muối). Không uống rượu bia.
Nếu kết hợp giữa chẩn đoán chính xác, điều trị đúng cách, và dinh dưỡng hợp lý thì hiệu quả điều trị sẽ cao, ít phải uống thuốc, và bệnh ít tái phát.
Lịch khám: Các buổi Sáng thứ 2,3,4,5,6, thứ 7, chủ nhật. Làm từ 7h sáng.
ĐỊA CHỈ PHÒNG KHÁM
Tại 476 Vĩnh Viễn, quận 10
TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0981 6300 68